Chỉ cần đứng giữa một ngã tư giao thông, bạn sẽ hiểu người Việt đang vội vã đến mức nào. 100 năm trước, khi chiếc đèn tín hiệu giao thông đầu tiên ra đời với 2 mầu xanh và đỏ, nó đã góp phần làm giảm bớt các vụ tai nạn giao thông tại các ngã tư, nơi thường xuyên có mật độ lưu thông cao của các phương tiện.
Tới năm 1920, khi anh cảnh sát Mỹ William Potts phát minh ra chiếc đèn vàng để hoàn thiện cho hệ thống đèn tín hiệu vốn gây ra khá nhiều phiền toái khi cảnh sát luôn phải hú còi trước khi đèn chuyển trạng thái từ xanh sang đỏ, hệ thống đèn tín hiệu này đã trở thành chuẩn mực chung cho các hệ thống điều khiển giao thông trên toàn thế giới.
Sau khi Nghị định 46 có hiệu lực, tình hình giao thông tại các đô thị lớn ít nhiều đã có chuyển biến tích cực.
Ở nước ta, kể từ ngày 1/8/2016, khi nghị định 46 chính thức có hiệu lực với việc tăng mức phạt vượt đèn vàng ngang với vượt đèn đỏ thì những cuộc tranh luận trên các diễn đàn mạng dường như trở nên bất tận. Nhiều người vỗ tay hưởng ứng, nhiều người rào rào phản đối, các đại diện cơ quan chức năng thì ra sức giải thích và chứng minh cho tính đúng đắn của nghị định... và người tham gia giao thông thì vẫn thế, lúc nào cũng vội vã.
Khoan hẵng nói về tính đúng sai hay khả thi của quy định vẫn còn gây nhiều tranh cãi này, trước hết, hãy bàn đến việc chấp hành cũng như ý thức của người tham gia giao thông tại Việt Nam đối với hệ thống đèn tín hiệu tưởng chừng như không có gì để bàn kia. Hãy rời bàn phím và ra một ngã tư bất kì để quan sát, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng, rất nhiều người tham gia giao thông thậm chí còn chả coi cái đèn đỏ ra gì chứ chưa nói đến đèn vàng.
Tình trạng các phương tiện vượt đèn đỏ khi chỉ còn vài giây vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là tại các giao lộ vắng bóng CSGT.
Mỗi khi dừng đèn đỏ, đa số đều có thể kiên nhẫn đợi 50 tới 70 giây, thậm chí nhiều ngã tư còn chờ tới 2 phút, ấy thế nhưng khi đèn đỏ chỉ còn 5 giây là hầu như tất cả đã nhao nhao lên đường. Nếu xếp đầu hàng, chỉ cần bạn chần chừ vài giây vì chưa thấy nhảy đèn xanh thì ngay lập tức bạn sẽ phải nghe những tiếng còi chói tai thúc giục đầy giận dữ.
Khi nghị định 46 mới có hiệu lực, người ta thấy các phương tiện nháo nhào đạp phanh dừng tại các ngã tư có bóng dáng CSGT. Rõ ràng, việc đứng trước nguy cơ mất tiền đã khiến nhiều người "chùn bước". Tuy nhiên, tại các ngã tư không có lực lượng CSGT túc trực, mọi việc vẫn không có gì thay đổi, nhiều phương tiện vẫn thi nhau vượt đèn đỏ khi chỉ còn vài giây, chiều bên kia thì cũng vậy, đèn đỏ còn vượt thì đèn vàng xá gì. Thế là tất cả "gặp nhau" giữa ngã tư tạo thành một mớ hỗn độn...
Xử phạt nguội thông qua hệ thống camera giao thông là một biện pháp răn đe hiệu quả.
Xây dựng luật cho đúng và hiệu quả là hết sức cần thiết, nhưng việc có thể thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông còn quan trọng hơn nhiều, bởi mọi điều luật được làm ra là để đảm bảo cho an toàn giao thông cũng tức là đảm bảo cho tính mạng của những người đang đi trên đường. Điều đó quan trọng hơn nhiều so với việc phạt hay không phạt đang gây nhiều tranh cãi kia.
Mặt khác, mọi nỗ lực của các cơ quan chức năng sẽ có hiệu quả khi nó trở thành biện pháp răn đe, làm "chùn bước" người có ý định vi phạm hơn là tìm cách "tóm" bằng được người vi phạm để xử phạt. Dư luận hoan nghênh hình thức phạt nguội bằng camera giao thông là bởi nó làm cho mọi người luôn phải "đi đứng" cẩn thận hơn khi không biết khi nào mình sẽ bị "lọt vào mắt xanh".
Có thể số tiền phạt thu được qua phạt nguội không nhiều nhưng lại làm cho nhiều người tham gia giao thông buộc phải thay đổi hành vi của mình. Đấy mới là cách làm đúng.
Sự hiện diện của lực lượng cảnh sát cơ động vào ban ngày chắc chắn sẽ góp phần cải thiện ý thức giao thông của mọi người.
Người tham gia giao thông ở Việt Nam thì lúc nào cũng vội, vội đưa con đi học, vội tới công sở, vội về đi chợ, vội đi uống cà phê... Đó là những lí do mà khi bị thổi phạt vượt đèn, người tham gia giao thông thường gãi đầu gãi tai trình bày. "Vội vã" với cả tính mạng bản thân chính là điều phi lí nhất mà người tham gia giao thông tại Việt Nam vẫn hàng ngày thực hiện một cách "hồn nhiên". Chỉ có thay đổi nhận thức và ý thức của chính những người tham gia giao thông mới là cách tốt nhất để cải thiện tình trạng giao thông như "phim hành động" ở nước ta mà thôi.